Nhà thuốc Bích Hạnh - Tủ thuốc của mọi nhà 24/7https://nhathuocbichhanh.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 07/03/2019 20:29
Sử dụng dược liệu (cây thuốc) để chữa bệnh đã được ông cha ta áp dụng từ xa xưa. Và cho đến tận ngày nay, khi y học hiện đại phát triển vượt bậc thì các cây dược liệu vẫn còn được sử dụng phổ biến và là nguyên liệu gốc của nhiều loại thuốc hay thực phẩm chức năng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn còn chữa bệnh bằng những loại cây có sẵn trong tự nhiên. Và hiện nay, xu thế chung của toàn cầu là dùng những loại thuốc điều trị bệnh có nguồn gốc thảo dược, thành phần từ tự nhiên để đảm bảo tính an toàn.
PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, chúng ta đã phát hiện mới 3.984 loại nấm và thực vật có thể chữa bệnh. Đó quả là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong số 730 giống thuốc đang được bảo tồn thì có đến 600 loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng”. Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc quý.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 6000 loài thảo dược, có thể phục vụ chữa nhiều bệnh khác nhau. Nhưng do khai thác liên tục và không chú ý đến việc tái sinh, cho nên nguồn dược liệu trong nước hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 10 - 20% nhu cầu sử dụng của người dân, số còn lại chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc được chế biến từ thảo dược của đông đảo người dân, Thủ tướng chính phủ đã kí quyết định 1976, phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Cụ thể, cả nước sẽ có 8 vùng dược liệu trọng điểm lần lượt là: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Cả 8 vùng này sẽ phấn đấu quy hoạch và phát triển 54 loài dược liệu. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, và phấn đấu đến năm 2030 là 80%.
Bên cạnh việc chú trọng bảo vệ và phát triển các vùng trồng cây dược liệu, quyết định 1976 cũng nêu rõ sẽ đẩy mạnh đầu tư và quy hoạch lại các cơ sở chế biến, chiết xuất và bảo quản dược liệu. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu các giống cây thuốc tại Viện dược liệu - Bộ y tế để nghiên cứu, chọn lọc ra những giống cây chất lượng nhất, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.