THÀNH PHẦN :
Mỗi viên nén chứa:
- Thành phần hoạt chất: Digoxin 0,25mg
- Thành phần tá dược: lactose monohydrat, tinh bột lúa mì, talc, magnesi stearat, natri starch glycolat.
CÔNG DỤNG :
- Digoxin được chỉ định để điều trị suy tim sung huyết.
- Digoxin có thể được dùng trong một số trường hợp rối loạn nhịp trên thất nhất định, đặc biệt là rung nhĩ.
CÁCH DÙNG :
Cách dùng:Dùng đường uống
Liều dùng:
- Liều được đề xuất chỉ nhằm mục đích hướng dẫn ban đầu, mỗi bệnh nhân phải được điều chỉnh riêng theo độ tuổi, cân nặng và chức năng thận:
- Trong trường hợp bệnh nhân đã dùng glycosid tim hai tuần trước đó, nên xem xét lại liều ban đầu của bệnh nhân và nên giảm liều.
- Cần chú ý sự khác biệt về sinh khả dụng giữa digoxin đường tiêm và digoxin đường uống khi chuyển từ đường dùng này qua đường dùng kia. Ví dụ, nếu bệnh nhân được chuyển từ uống sang tiêm tĩnh mạch, liều digoxin phải giảm khoảng 33%.
Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi:
Liều khởi đầu nhanh:
- Dùng liều 0,75 mg -1,5 mg dưới dạng một liều duy nhất. Nếu có nguy cơ cao hơn hoặc ít khẩn cấp hơn, liều khởi đầu đường uống nên được chia liều cách nhau mỗi 6 giờ, đánh giá đáp ứng lâm sàng trước khi cho liều bổ sung.
Liều khởi đầu chậm:
- Dùng liều 0,25 - 0,75 mg mỗi ngày trong một tuần, sau đó dùng liều duy trì thích hợp.
- Bệnh nhân nên có đáp ứng lâm sàng trong vòng một tuần.
- Sự lựa chọn giữa liệu pháp nhanh hay chậm phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân và mức độ khẩn cấp của tình trạng này.
Liều duy trì:
- Liều duy trì nên dựa trên tỷ lệ phần trăm lượng thuốc giảm đi mỗi ngày của từng bệnh nhân thông qua thải trừ. Công thức tính toán sau đây đã được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng:
- Liều duy trì = liều khởi dầu x [(14 + độ thanh thải creatinin (Ccr)/5)]/100
- Ccr là độ thanh thải creatinin tính theo 70 kg cân nặng hoặc 1,73 m2 diện tích bề mặt cơ thể. Nếu chỉ có nồng độ creatinin huyết thanh (Scr) thì có thể ước tính tỷ lệ Ccr (tính theo 70 kg cân nặng) ở nam giới theo công thức sau:
- Ccr = [(140 - tuổi) / Scr (mg/100ml)]
- Khi giá trị creatinin huyết thanh tính theo micromol/l, có thể chuyển sang đơn vị mg/100 ml (mg/%) theo công thức sau:
- Scr (mg/100ml) = [Scr (micromol/l) x 113,12] /10000 = Scr (micromol/l) / 88,4
- Trong đó 113,12 là khối lượng phân tử của creatinin.
- Đối với phụ nữ, kết quả này sẽ được nhân với 0,85.
- Không thể sử dụng những công thức này cho độ thanh thải creatinin ở trẻ em.
Trong thực tế, hầu hết bệnh nhân suy tim được duy trì liều digoxin mỗi ngày từ 0,125 đến 0,25 mg; tuy nhiên ở những người nhạy cảm cao với các tác dụng phụ của digoxin, dùng liều 0,0625 mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Ngược lại, một số bệnh nhân có thể cần liều cao hơn.
Trẻ em dưới 10 tuổi:
- Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở trẻ sinh non, độ thanh thải thận của digoxin giảm đi và việc giảm liều thích hợp phải được tuân thủ trên hướng dẫn liều chung.
- Ngoài giai đoạn sơ sinh, trẻ em thường cần tỷ lệ liều cao hơn người lớn dựa trên thể trọng hoặc diện tích bề mặt cơ thể. Trẻ em trên 10 tuổi dùng liều người lớn theo tỷ lệ với thể trọng của trẻ.
Liều khởi đầu:
Nên thực hiện theo lịch trình sau:
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng dưới 1,5 kg: 25 mcg/kg/24h; Trẻ sơ sinh thiếu tháng 1,5 kg đến 2,5 kg: 30 mcg/kg/24h; Trẻ sơ sinh đủ tháng đến 2 tuổi: 45 mcg/kg/24h; Trẻ từ 2 đến 5 tuổi: 35 mcg/kg/24h; Trẻ từ 5 đến 10 tuổi: 25 mcg/kg/24h.
- Nên chia liều khởi đầu thành nhiều lần uống với khoảng một nửa trong tổng liều được cho dùng tại liều đầu tiên. Và những phần liều còn lại trong tổng liều được cho uống cách khoảng mỗi 4 đến 8 giờ, đánh giá đáp ứng lâm sàng trước mỗi liều bổ sung.
Liều duy trì:
Liều duy trì nên thực hiện theo lịch trình sau đây:
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng: Liều hàng ngày = 20% liều khởi đầu trong 24 giờ.
- Trẻ sơ sinh đủ tháng và trẻ em dưới 10 tuổi: Liều hàng ngày = 25% liều khởi đầu trong 24 giờ.
Những hướng dẫn lịch trình liều, theo dõi tình trạng lâm sàng và nồng độ digoxin trong huyết thanh nên được sử dụng làm cơ sở để điều chỉnh liều ở những nhóm bệnh nhi này. Nếu glycosid tim đã được cho trong hai tuần trước khi bắt đầu điều trị digoxin, liều digoxin tối ưu có thể sẽ ít hơn so với những liều khuyến cáo trên.
Với liều digoxin sử dụng cho trẻ em, nên sử dụng dạng bào chế phù hợp (ví dụ: dung dịch uống) dể chia liều chính xác.
Người cao tuổi:
- Suy giảm chức năng thận và thể trọng thấp ở người cao tuổi ảnh hưởng đến dược động học của digoxin, như vậy nồng độ digoxin huyết thanh cao và độc tính liên quan có thể xảy ra khá dễ dàng, trừ khi dùng liều digoxin thấp hơn so với những đối tượng bệnh nhân khác. Cần kiểm tra nồng độ dioxin trong huyết thanh thường xuyên và nên tránh hạ kali máu.
Suy thận:
- Nên giảm liều khởi đầu và liều duy trì ở những bệnh nhân có chức năng thận suy giảm vì đường thải trừ chủ yếu của digoxin là bài tiết qua thận dưới dạng không đổi.
Bệnh về tuyến giáp:
- Cần thận trọng khi dùng digoxin cho bệnh nhân có bệnh về tuyến giáp. Liều khởi đầu và liều duy trì của digoxin nên được giảm khi chức năng tuyến giáp bất thường. Trong bệnh cường giáp có sự kháng digoxin tương đối, do đó có thể phải tăng liều.
- Trong quá trình điều trị nhiễm độc giáp, nên giảm liều digoxin tới khi nhiễm độc giáp được kiểm soát.
Bệnh đường tiêu hóa:
- Bệnh nhân có hội chứng kém hấp thu hoặc tái tạo hệ tiêu hóa có thể cần liều digoxin lớn hơn.
TÁC DỤNG PHỤ :
Rối loạn máu và hệ bạch huyết:
- Hiếm gặp: mất bạch cầu hạt
- Rất hiếm gặp: Giảm tiểu cầu
Rối loạn hệ miễn dịch:
- Chưa rõ tần suất: Phản ứng quá mẫn (ngứa, phát ban ban đỏ, nốt sần, mụn nước và phù mạch)
Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng:
Rối loạn tâm thần:
- Ít gặp: Trầm cảm
- Hiếm gặp: Bệnh động kinh
- Rất hiếm gặp: rối loạn tâm thần, mơ hồ
- Chưa rõ tần suất: Mất phương hướng, mất trí nhớ, mê sảng, ảo giác thị giác và thính giác (đặc biệt là ở những bệnh nhân cao tuổi)
Rối loạn hệ thần kinh:
- Thường gặp: rối loạn hệ thần kinh trung ương, chóng mặt
- Rất hiếm gặp: Nhức đầu, thờ ơ
- Chưa rõ tần suất: Mệt mỏi, yếu ớt, buồn ngủ, ác mộng, bồn chồn, căng thẳng, kích động
Rối loạn mắt:
- Thường gặp: Rối loạn thị giác
- Ít gặp: Mờ mắt, sợ ánh sáng, việc nhìn màu sắc có thể bị ảnh hưởng tuy không thường gặp, với các vật màu vàng hoặc ít thường xuyên hơn là xanh, đỏ, xanh dương, nâu hoặc trắng.
Rối loạn tim mạch:
- Thường gặp: Loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, nhịp đôi, nhịp ba, kéo dài PR, nhịp chậm xoang.
- Rất hiếm gặp: Loạn nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh nhĩ (có hoặc không bị blốc), nhịp nhanh bộ nối, loạn nhịp thất, co tâm thất sớm, giảm đoạn ST.
- Chưa rõ tần suất: Suy tim hoặc tiến triển suy tim, nhịp nhanh trên thất, ngoại tâm thu, blốc xoang nhĩ.
Rối loạn tiêu hóa:
- Thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy
- Rất hiếm gặp: Thiếu máu cục bộ đường ruột, hoại tử ruột
- Chưa rõ tần suất: Chán ăn, đau bụng
Rối loạn da và mô dưới da:
- Thường gặp: Phát ban da của chứng mề đay hoặc dạng tinh hồng nhiệt có thể kèm tăng bạch cầu ưa eosin rõ rệt
Rối loạn hệ sinh sản:
- Rất hiếm gặp: Tình trạng vú to ở nam giới có thể xảy ra khi dùng lâu dài
Rối loạn chung:
- Rất hiếm gặp: Mệt mỏi, khó chịu, yếu ớt.
Trẻ em:
- Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với tác dụng của digoxin. Chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và rối loạn thần kinh trung ương có thể xảy ra tuy hiếm gặp, là những triệu chứng ban đầu của quá liều. Rối loạn nhịp tim là dấu hiệu thường gặp nhất khi quá liều digoxin. Thường gặp nhất là rối loạn dẫn truyền hoặc loạn nhịp nhanh trên thất, như nhịp nhanh nhĩ có hoặc không có blốc. Loạn nhịp thất ít gặp hơn. Nhịp chậm xoang có thể biểu hiện độc tính digoxin, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH :
- Bệnh nhân quá mẫn với digoxin, các glycosid digitalis khác hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân bị loạn nhịp do nhiễm độc glycosid tim.
- Bệnh nhân bị tắc nghẽn phì đại cơ tim, trừ khi bị rung nhĩ và suy tim đồng thời, nhưng vẫn nên thận trọng khi dùng digoxin.
- Bệnh nhân loạn nhịp trên thất do đường dẫn phụ nhĩ thất, như trong hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW), trừ khi các đặc tính điện sinh lý của đường dẫn phụ và bất kỳ tác dụng có hại nào của digoxin đối với các đặc tính này đã được đánh giá. Nếu có hoặc nghi ngờ có đường dẫn phụ và không có tiền sử loạn nhịp trên thất trước đó, chống chỉ định sử dụng digoxin.
- Bệnh nhân có blốc tim hoàn toàn từng cơn hoặc blốc nhĩ thất độ hai, đặc biệt nếu có tiền sử bị Stokes-Adams.
- Bệnh nhân có nhịp nhanh thất hoặc rung thất.
🏥Tất cả các sản phẩm hiện tại đang có sẵn tại Nhà thuốc, quý khách hàng có nhu cầu vui long đến nhà thuốc hoặc liên hệ qua ZALO , FACEBOOK hoặc gọi trực tiếp đến hotline nhà thuốc để được tư vấn rõ hơn.
——————🍀🍀🍀——————
𝐍𝐇𝐀̀ 𝐓𝐇𝐔𝐎̂́𝐂 𝐁𝐈́𝐂𝐇 𝐇𝐀̣𝐍𝐇 𝑻𝒉𝒖𝒐̂́𝒄 𝑻𝒐̂́𝒕- 𝑻𝒂̂𝒎 𝑨𝒏- 𝑲𝒉𝒐̉𝒆 𝑴𝒂̣𝒏𝒉
🏥Chi Nhánh1: 323 Phan Văn Trị, p11, Q. Bình Thạnh.
Zalo + SĐT : 098.761.5544.
🏥Chi Nhánh2: 446 Nơ Trang Long-P13-Bình Thạnh.
Zalo + SĐT : 090.671.0549.